Trung Quốc thử nghiệm thành công tốc độ truyền dẫn không dây 100 Gigabit mỗi giây, tức đạt mức tần số Terahertz (THz).
Kết quả thử nghiệm được Viện 25 (25th Institute) thuộc Học viện Khoa học và Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc thực hiện và công bố ngày 22/4. Sóng Terahertz là sóng điện từ có tần số dao động từ 100 GHz đến 10 THz.
Để thực hiện, nhóm sử dụng các ăng-ten độ chính xác cao, phát ra bốn chùm tia với các bước sóng khác nhau trong dải tần số 110 GHz. Việc truyền dữ liệu thời gian thực không dây với tốc độ 100 Gb/giây được hoàn thành thông qua những ăng-ten này. Đây được xem là công nghệ truyền dẫn không dây thời gian thực đầu tiên được thử nghiệm đạt tốc độ 100 Gb/giây, gấp hơn trăm lần so với 5G.
Hiện tốc độ mạng 5G ở mức lý tưởng là một Gb/giây. Tuy nhiên, con số thực tế trong các mạng di động dao động khá lớn, khoảng 100-900 Mb/giây, riêng tốc độ tải xuống trong phạm vi 450-500 Mb/giây.
Công nhân đang lắp đặt một trạm gốc viễn thông. Ảnh: Reuters
Con số 100 Gb/giây chưa phải lớn nhất. Năm ngoái, Viện nghiên cứu Purple Mountain Laboratories (PML) ở Trung Quốc cũng thử nghiệm mạng 6G với tốc độ kỷ lục 200 Gb/giây.
Theo Viện 25, công nghệ mới của họ giúp cải thiện một số nhược điểm của kết nối không dây hiện tại như không truyền đi được quãng đường dài, gặp khó khi xuyên qua môi trường đám mây hay sương mù, nhưng không mô tả chi tiết. Tuy nhiên, đơn vị này lưu ý để đạt tốc độ lớn như trên, các trạm gốc cần được xây dựng mới, trang bị ăng-ten tiên tiến và phát được nhiều chùm tia để tận dụng tối đa băng thông có sẵn.
Viện 25 kỳ vọng đây sẽ là bước tiến quan trọng để Trung Quốc xây dựng mạng 6G. Dự kiến, nước này bắt đầu triển khai mạng di động thế hệ tiếp theo từ 2030.
Theo lý thuyết, 6G ước đạt tốc độ tới một Terabit/giây. Có nghĩa, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần.
Người dân tham quan mô hình công nghệ 5G và 6G tại WMC 2023 ở Thượng Hải hồi tháng 6. Ảnh: ChinaDaily
Công nghệ 6G được kỳ vọng là nền tảng cho một kỷ nguyên thông minh, không chỉ giúp con người tương tác với nhau mà còn giúp kết nối giữa thiết bị với thiết bị không có độ trễ nhờ khả năng truyền tải tốc độ cao. Dù vậy, đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G. 3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, cũng chưa công bố lộ trình cho 6G.
Tổng hợp: theo CnBeta, Phonearena