Thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ phải có camera giám sát?

Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế về tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với nhiều thay đổi so với quy định trước nhằm tăng cường sự tự chủ và chịu trách nhiệm của các đơn vị tổ chức thi, đặc biệt là vấn đề chống gian lận.

Đây là dự thảo về quy chế tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam nhằm thay thế cho Thông tư 23 năm 2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24 năm 2021, đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Nhiều quy định mới về đề thi chứng chỉ ngoại ngữ, người chấm thi

Tại dự thảo, Bộ GD-ĐT đưa ra các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, áp dụng đối với ĐH, học viện, trường ĐH có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ phải có camera giám sát?- Ảnh 1.

Quy định mới về tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ giúp các đơn vị tổ chức thi tự chủ nhiều hơn và người dự thi cũng nghiêm túc hơn. Trong ảnh: Một giờ học ngoại ngữ của học sinh tại TP.HCM – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cụ thể, để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, các đơn vị cần đáp ứng 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Nhưng tiêu chuẩn và tiêu chí này được quy định cụ thể, rõ ràng và yêu cầu cao hơn so với các thông tư trước.

Chẳng hạn trước đây, quy định đơn vị tổ chức thi phải có “ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có); các cán bộ chấm thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”, thì dự thảo mới yêu cầu có tối thiểu 30 người đối với tiếng Anh và 20 người đối với các môn ngoại ngữ khác. Những người này phải có bằng thạc sĩ trở lên của một trong các ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài hoặc chuyên ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành khoa học giáo dục.

Về cơ sở vật chất, dự thảo đưa ra một quy định mới là phải có hệ thống camera giám sát ghi hình được toàn bộ diễn biến của quá trình tổ chức thi và màn hình theo dõi hệ thống camera được đặt tại phòng trực thi. Các đơn vị cũng được yêu cầu cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.

Về đề thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu các câu hỏi đã sử dụng để tổ chức thi chỉ được xem xét dùng lại sau tối thiểu 2 năm; giữa 2 lần thi liên tiếp, nội dung phần đọc và nghe không trùng nhau quá 25%; phần thi nói và phần viết không trùng nhau. Những quy định này chưa được đặt ra ở các thông tư trước.

Đơn vị tổ chức thi phải xây dựng quy định và quy trình tổ chức thi bảo đảm an ninh, an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc; phân công rõ trách nhiệm các bộ phận tham gia tổ chức thi; có biện pháp hiệu quả chống gian lận. Dữ liệu từ camera giám sát là một trong các căn cứ chính thức để xem xét xử lý các vi phạm quy chế thi.

Trường hợp nào bị cấm thi?

Đối với thí sinh, nếu để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung người tổ chức thi hoặc thí sinh khác thì sẽ bị cấm thi tại tất cả các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong thời gian 2 năm.

Như vậy, dự thảo thông tư với những điểm mới trên giúp các đơn vị tổ chức thi tăng cường sự tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình, tăng cường các giải pháp để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy, công bằng.

Đặc biệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các khâu để ngăn chặn tối đa việc thi thay, thi hộ sẽ khiến người dự thi phải tuân thủ nghiêm túc quy chế thi để không bị cấm thi.