New Zealand tiếp tục nới quyền làm việc, Úc có thể hủy áp trần tuyển sinh
Hai quốc đảo cạnh nhau là New Zealand và Úc có một số cập nhật mới về chính sách theo hướng ưu đãi và ưu tiên du học sinh trong thời gian tới.
New Zealand thêm ưu ái cho du học sinh
Sở Di trú New Zealand (INZ) hôm 19.11 cho biết vừa cập nhật chính sách thị thực (visa) với du học sinh tốt nghiệp bậc thạc sĩ. Cụ thể, để xin visa làm việc sau tốt nghiệp (PSW), du học sinh có chứng chỉ sau ĐH (PGDip) trước đó phải đăng ký học chương trình thạc sĩ từ 30 tuần trở lên. Tuy nhiên, giới hạn này vừa bị dỡ bỏ, và du học sinh diện này được phép xin PSW bất kể thời lượng của khóa thạc sĩ.
Điều này đồng nghĩa, du học sinh giờ đây có thể học khóa thạc sĩ ngắn hơn nhưng không lo bị mất cơ hội làm việc tại New Zealand. “Nhờ vậy, sinh viên quốc tế được tự do chọn khóa học và yên tâm sau khi tốt nghiệp vẫn đủ điều kiện làm việc”, INZ nêu trong thông cáo chính thức.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với những trường hợp học tiếp lên thạc sĩ ngay khi có PGDip. INZ cũng lưu ý, thời hạn PSW của ứng viên sẽ phụ thuộc vào thời lượng của khóa thạc sĩ và ai muốn ở lại New Zealand làm việc trong 3 năm phải học chương trình thạc sĩ toàn thời gian ít nhất 30 tuần.
Ngoài ra trong thông cáo, chính phủ New Zealand cũng cập nhật danh sách những ngành học đủ điều kiện xin PSW. Theo đó, giáo viên trung học giờ đây không cần phải có bằng cử nhân các ngành khoa học, toán học, công nghệ hoặc ngôn ngữ Thái Bình Dương mới được xin PSW. Còn nếu dạy tiểu học, THCS, ứng viên nay chỉ cần nộp bằng cao học sư phạm và đáp ứng yêu cầu của Hội đồng giảng dạy New Zealand là có thể xin PSW.
Danh sách cũng thêm mới công việc kỹ thuật viên cơ khí, áp dụng với ứng viên có bằng kỹ sư New Zealand cấp độ 6 chuyên ngành kỹ thuật cơ khí.
Trước đó, chính phủ New Zealand hồi tháng 6 mở rộng điều kiện cấp visa lao động cho vợ hoặc chồng của một số du học sinh. Cụ thể, bạn đời của sinh viên đang theo học các chương trình thuộc level 7 (cử nhân), level 8 (sau ĐH, tiền thạc sĩ) ở những ngành trong trong danh sách thiếu hụt lao động có thể xin visa làm việc với các điều kiện mở (partner of a student work visa).
Ngoài ra, con cái đang trong độ tuổi học phổ thông (nếu có) có thể nộp đơn xin visa học sinh theo diện phụ thuộc (dependent child student visa) để hưởng các quyền lợi như học sinh bản xứ, tức không phải đóng học phí.
Dự luật áp trần tuyển sinh của Úc bị phản đối
Một động thái khác nhận được chú ý của ngành giáo dục quốc tế là dự luật áp trần tuyển sinh người nước ngoài do chính phủ Úc đề xuất nhiều khả năng sẽ bị hủy bỏ, thay vì dự kiến áp dụng từ đầu năm 2025. Đó là do liên minh hai đảng Tự do, Quốc gia (Liên đảng) cùng đảng Xanh ở Úc hôm 18.11 đã lên tiếng phản đối dự luật mà chính phủ Công đảng đưa ra, viện dẫn những lo ngại về tác động kinh tế và xã hội nó có thể gây ra.
Với sự phản đối từ Liên đảng, đảng Xanh cùng các nghị sĩ độc lập, khả năng thông qua dự luật đã bị giảm đi đáng kể trong cuộc họp của Thượng viện sắp tới, tờ The PIE News bình luận. Tuy nhiên Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare nêu rõ nếu dự luật không được thông qua, Chỉ thị 107 sẽ tiếp tục duy trì. Đây là quy định ưu tiên xử lý đơn xin visa du học dựa vào mức độ uy tín của cơ sở giáo dục mà du học sinh ghi danh.
Điều này lập tức dấy lên nhiều lo ngại, bởi chỉ thị này đã khiến các trường ĐH chịu tác động “nặng nề” từ việc xử lý visa du học chậm hơn và gia tăng số visa du học bị từ chối. Ông Luke Sheehy, Giám đốc điều hành của Universities Australia, nhấn mạnh rằng ước tính 4 tỉ AUD đã bị “bòn rút” khỏi nền kinh tế và hàng nghìn việc làm ĐH bị đe dọa bởi Chỉ thị 107.
Một động thái đáng chú ý khác là trước khi tương lai của dự luật áp trần tuyển sinh ngã ngũ, nhiều ĐH đã sớm đề ra biện pháp ứng phó, nhất là với các trường bị chính phủ Úc giảm chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước, như ĐH New South Wales cùng trường thành viên là UNSW College mới đây cho biết tạm ngưng nhận hồ sơ xin học từ du học sinh, hay ĐH Công giáo Úc hồi tháng 9 đã dừng tuyển sinh quốc tế cho năm 2025.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, nhiều ĐH như Macquarie, Quốc gia Úc, New South Wales cho biết dù phải ứng phó trước quy định áp trần, các trường vẫn giữ nguyên chính sách tuyển sinh với người Việt để đảm bảo đa dạng quốc tịch, tức xét dựa trên điểm học bạ và năng lực tiếng Anh. Song đại diện các trường cũng khuyên ứng viên nên sớm chấp nhận nhập học ngay khi có thư mời để đề phòng rủi ro.
Theo Bộ Giáo dục Úc, tính đến tháng 8 có 803.639 du học sinh theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 36.490 người, xếp thứ 5 về số du học sinh. Còn tại New Zealand, số du học sinh là người Việt đến nước này vào năm 2023 là 1.736, tăng 10% so với năm trước và tập trung đông nhất ở các trường ĐH (1.120) và phổ thông (308). Song, con số này chỉ chiếm thiểu số so với tổng 69.135 du học sinh từ các nước nhập học trong năm 2023.