5 giải pháp hút khách cao cấp đến Việt Nam

Để thu hút dòng khách chất lượng, một trong những giải pháp Việt Nam cần thực hiện là trở thành thị trường du lịch chất lượng, theo chuyên gia.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong nhận định trong buổi hội thảo “Sản phẩm nào dành cho khách cao cấp đến Việt Nam” hôm 11/10 tại Hà Nội, Việt Nam không chỉ là điểm đến của khách “Tây balo” mà còn thu hút nhiều tỷ phú, khách nhà giàu.

Hiện tại, chưa có đánh giá đầy đủ về số lượng, tổng chi tiêu, chất lượng của du khách nhưng các chuyên gia đều nhận xét bằng hoặc vượt 2019. Trong 9 tháng đầu năm, hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế ghé thăm, vượt lượng khách đón năm 2023 và bằng 99% so với cùng kỳ 2019. Chất lượng du khách đến Việt Nam cũng tăng.

“Trước đây khách sạn ba sao chạy nhất, giờ là 5 sao”, ông Phong nói. Dù vậy, lượng khách cao cấp với mức chi tiêu cao vẫn còn khiêm tốn.

Khách siêu giàu Ấn Độ đến Phú Quốc tham gia siêu đám cưới
Ảnh: Nguyen Thanh Luan

Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty du lịch Wildtour, trước hết chúng ta cần “nhận diện” tệp khách du lịch cao cấp, sở thích của họ để từ đó có những sản phẩm phù hợp. Khách cao cấp là những người có thu nhập cao; tìm kiếm trải nghiệm độc đáo; yêu cầu dịch vụ cá nhân hóa cũng như dịch vụ chất lượng cao, tiện nghi; quan tâm đến sự phát triển bền vững và có xu hướng đi du lịch thiên về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Cục trưởng Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm tệp khách cao cấp này còn yêu thích loại hình du lịch tàu biển, du thuyền, thám hiểm – mạo hiểm. Khách MICE cũng là tệp khách cần quan tâm vì đó là những người đến đông, tiêu nhiều, ở lâu, dùng nhiều dịch vụ và đều là các dịch vụ 4-5 sao.

Nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn kinh tế có trụ sở tại Singapore Oxford Economics, Liam Cordingley, cho biết muốn thu hút khách du lịch chất lượng, Việt Nam cần phải trở thành thị trường du lịch chất lượng. Thực tế, thị trường du lịch chất lượng vốn rất hạn chế và có tính cạnh tranh cao trên toàn cầu. Do đó, để hút tệp khách này cần phải trả lời hai câu hỏi: Những yêu tố nào thúc đẩy khách lựa chọn điểm đến và điều gì khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn?

Nghiên cứu của Oxford Economics chỉ ra dịch vụ ẩm thực là một trong những động lực lớn thúc đẩy lựa chọn điểm đến của du khách. Trong đó, khách cao cấp là những người có tỷ lệ quan tâm đến ẩm thực nhiều hơn so với tệp khách trung lưu và bình dân. Bên cạnh đó, những điểm đến cung cấp dịch vụ ẩm thực cao cấp thu hút lượng khách nhà giàu ghé thăm nhiều gấp 2,5 lần những nơi chỉ có dịch vụ bình thường. Họ cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có trải nghiệm ẩm thực cao cấp nhưng những dịch vụ này phải xứng đáng với số tiền bỏ ra. Trung bình, du khách đến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẵn sàng chi trả thêm 250 USD một người một ngày để sử dụng các trải nghiệm ẩm thực sang chảnh.

Đường dẫn tới Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Trần Tuấn Việt

Đường dẫn tới Bức tường Việt Nam trong hang Sơn Đoòng. Tour khám phá hang Sơn Đoòng là một trong những sản phẩm du lịch cao cấp của Việt Nam, giá trị mỗi tour lên tới hơn 70 triệu đồng một người. Ảnh: Trần Tuấn Việt

Khách nhà giàu cũng rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. 84% khách được hỏi cho biết sự đáng tin cậy và an toàn là yếu tố quan trọng nhất trong ẩm thực và giữa vai trò chủ chốt trong việc lựa chọn điểm đến. Đại diện Oxford Economics hy vọng Việt Nam có thể khai thác dịch vụ ẩm thực cao cấp để khiến khách rút hầu bao nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, có những sản phẩm mang tính “may đo” cho tệp khách này. Khách Hàn Quốc thích du lịch golf , Việt Nam cần có chính sách quảng bá, xây dựng sản phẩm golf phục vụ dòng khách này.

Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, đại diện Công ty Cao Fine Jewelry cho rằng du khách quốc tế có thu nhập cao rất quan tâm đến sản phẩm thủ công cao cấp của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm làm từ nghệ nhân có tay nghề. Những du khách này sẵn sàng chi tiêu gấp ba lần so với khách thường. Do đó, Việt Nam có thể phát triển dòng sản phẩm mua sắm cao cấp như trang sức giống như cách Dubai đang làm.

Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng một sản phẩm bình thường nếu chúng ta biết cách vẫn có thể làm thành sản phẩm cao cấp và ngược lại, một sản phẩm cao cấp không biết làm thì chỉ là sản phẩm bình thường.

Ngoài nâng cấp sản phẩm, cần để ý đến cảm nhận của khách hàng. Cảm nhận của khách sẽ quyết định sản phẩm của chúng ta cao cấp hay thấp cấp.

“Một khách sạn với cơ sở vật chất đạt 5 sao nhưng chất lượng đội ngũ nhân viên chưa chuyên nghiệp, dịch vụ kém thì trong cảm nhận của du khách vẫn là 0 sao”, ông Kỳ nói.

Phương Anh – vnexpress.net