TP.HCM đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics
Với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, có hệ thống cảng biển, vị trí giao thương thuận lợi, kết nối vùng sâu rộng ở khu vực phía nam, TP.HCM dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh logistics do VLA công bố…
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa công bố Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022.
Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics cấp tỉnh năm 2022 được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian khảo sát hơn một năm từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2023.
Trong hơn một năm qua, các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với quy mô cỡ mẫu lớn, tiến hành hàng trăm giờ phỏng vấn sâu và hàng chục cuộc họp báo cáo cập nhật tiến độ cũng như tham vấn định kỳ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu.
Trong Báo cáo LCI năm 2022, 26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số lượng doanh nghiệp logistics. Kết quả có 21 địa phương ở tất cả các vùng kinh tế trong cả nước được đánh giá và xếp hạng LCI.
Theo đó, top 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh logistics gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội có chỉ số ngang nhau; xếp sau là Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Long An, Cần Thơ…
Ngoài ra, 5 địa phương trong danh sách dự kiến chưa được đánh giá do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình.
Bên cạnh đó, còn có một số địa phương thể hiện tiềm năng phát triển logistics nhưng chưa được đưa vào danh sách đánh giá năm 2022 như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa.
Dự kiến trong lần đánh giá tiếp theo, các địa phương này cùng với các địa phương có tiềm năng về logistics khác sẽ được lựa chọn để đưa vào danh sách các tỉnh, thành phố cần thực hiện đánh giá.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), dự kiến thành phố sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha, bao gồm: Cát Lái – Phú Hữu – Thành phố Thủ Đức (diện tích 292 ha); Long Bình – Thành phố Thủ Đức (diện tích 54 ha); Linh Trung – Thành phố Thủ Đức (diện tích 74 ha); Củ Chi – huyện Củ Chi (diện tích 15 ha); Tân Kiên – huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha); Hiệp Phước – huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha); xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha).
Ngoài ra, các dự án có chức năng tương tự trung tâm logistics như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… cũng đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Hiện tại, thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.
Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đóng vai trò là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Do đó, các chuyên gia cho rằng đối với việc phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, cần tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM.
Đồng thời, TP.HCM sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng; phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP.HCM – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Tổng hợp: VnEconomy