S&P: Trung Quốc có thể phải đối mặt với làn sóng vỡ nợ trái phiếu mới
(VNF) – Theo báo cáo của S&P Global Ratings, một làn sóng vỡ nợ trái phiếu mới của Trung Quốc có thể xảy ra ngay trong năm tới.
Theo báo cáo của S&P Global Ratings, một làn sóng vỡ nợ trái phiếu mới của Trung Quốc có thể xảy ra ngay trong năm tới.
Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu
Ông Charles Chang, người đứng đầu bộ phận Trung Quốc tại S&P Global Ratings, cho rằng đợt vỡ nợ, nếu xảy ra, sẽ là vòng vỡ nợ thứ 3 của các công ty Trung Quốc trong khoảng 1 thập kỷ, dưới bối cảnh nước này đang tìm lại động lực kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo S&P, chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn ngừa rủi ro tài chính. Nhưng những cách tiếp cận “nặng tay” để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.
Nguy cơ đặc biệt cao với thị trường bất động sản – vốn đã sụt giảm sau đợt “chấn chỉnh” của Bắc Kinh và cho tới giờ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi. Báo cáo mới nhất của S&P cho biết lĩnh vực bất động sản dẫn đầu làn sóng vỡ nợ mới nhất từ năm 2020 đến năm 2024.
Trước đó, phân tích của họ cho thấy các công ty công nghiệp và hàng hóa dẫn đầu tình trạng vỡ nợ trong giai đoạn 2015-2019.
Ông Chang nói: “Vấn đề lớn hơn đối với chính phủ là liệu thị trường bất động và giá bất động sản có thể ổn định hay không. Điều đó có khả năng làm giảm bớt một số tác động tiêu cực đến tài sản mà chúng ta đã thấy kể từ giữa năm ngoái”.
Mối lo tăng trưởng kinh tế
S&P nhận thấy tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu đã giảm ở hầu hết các lĩnh vực trong năm ngoái, ngoại trừ dịch vụ công nghệ, tiêu dùng và bán lẻ.
“Điều đó báo hiệu những lỗ hổng tiềm ẩn đối với tốc độ tăng trưởng chậm lại mà chúng ta đang thấy hiện nay”, ông Charles Chang nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái và Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2024, mặc dù nhiều nhà phân tích bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng hoàn thành mục tiêu này.
Mức nợ công, nợ tư nhân và nợ tiềm ẩn lớn ở Trung Quốc từ lâu đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra rủi ro tài chính hệ thống.
“Tuy nhiên, vấn đề nợ của Trung Quốc không cấp bách bằng việc Bắc Kinh cần giải quyết các vấn đề bất động sản trong một “chiến lược toàn diện” rộng lớn hơn”, ông Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết trong cuộc họp báo tuần trước.