Niềm vui ngày cận Tết

23 tháng chạp, trưa cuối năm rét căm căm, mưa phùn ướt đẫm khoảng sân trước nhà.

Cây đào phai nơi góc sân đã bắt đầu trổ những nụ hoa chúm chím. Hai ông bà Liêm lọ mọ bày mâm cỗ tiễn chân ông táo về chầu trời. Xôi gấc trên mâm đỏ lựng kê dưới một con gà luộc vàng ruộm. Hoa cúc tươi cắm chặt hai cái bình sứ đặt hai bên mép bàn thờ. Ba bộ quần áo mã với mũ ngũ quan cánh chuồn nằm ngay ngắn trên hương án. Ba con cá chép vàng bơi ưỡn ẹo trong thau nước để ở chiếc ghế đôn bên cạnh.

Gần hết tuần hương thì đồng hồ cũng vừa điểm mười hai giờ chính ngọ. Ông Liêm khấn tạ rồi khoát tay giục bà vợ châm lửa hóa vàng mã còn chính ông thì tất tả bê cái thau đựng ba con cá chép đi ra cái mương nước phía đường làng để thả xuống.

Trời vẫn mưa phùn dầm dề ướt lép nhép. Bà vợ ông Liêm đang hí húi bên chái nhà vừa dùng một cái mẹt để che mưa, vừa đốt vàng mã thì bất chợt chiếc điện thoại bàn ở trong nhà réo vang. Bà luống cuống toan chạy vào nhấc máy nghe nhưng nhìn đống vàng mã đang cháy dở bà lại nán lại cố đứng che cho nó cháy hết. Một lát lửa tàn, bà quăng cái mẹt vào góc hiên rồi chạy vội vào giật lấy cái điện thoại vì sợ lỡ không kịp nghe rồi lại chả biết ai gọi. Bà vừa áp cái tay nghe vào tai và cất tiếng a lô thì đã nghe đầu dây bên kia giọng anh con trai đầy vẻ bực bội: “Gớm, bà bô làm cái gì mà lâu thế! Đã bảo dùng cái di động cho nó tiện thì lại cứ không chịu cơ!”. Bà Liêm ừ hữ vài câu rồi lập tức đổi giọng hồ hởi: “Ừ, thế… anh gọi bu có sự gì đấy? Mà hai mấy thì về để bu còn bảo thầy mày cắt lá gói bánh. Ờ, gói cho bọn trẻ con nó thích chứ bu thấy chúng mày giờ cũng có ăn uống gì mấy đâu!…”.

Đợi bà Liêm dứt lời rồi anh con trai mới cất giọng ngập ngừng: “Con gọi báo cho ông bà là Tết này nhà con với các cháu không về được đâu, vậy nên ông bà đừng bày vẽ ra làm gì cho nó bận rộn, phiền hà ra rồi lại chả có ai ăn”. Bà Liêm nghe anh con trai nói mà chả hiểu sự thể ra sao nên bà lắp bắp hỏi lại: “Ơ, thế… sao lại không về…? Đây với Hà Nội có đoạn đường mà Tết nhất không về được là làm sao hử con?…”. Anh con trai lúc này mới ôn tồn giải thích: “À, chả là Tết năm nay vợ chồng con đặt vé cho các cháu đi du lịch Singapore một chuyến thôi. Ngày mai chúng con lên đường rồi, thế thôi hai ông bà ở nhà Tết nhất cũng đơn giản phiên phiến đi”.

Anh con trai còn nói thêm nọ kia gì đấy nữa rồi cúp máy, nhưng lúc ấy bà Liêm chẳng còn nghe thấy gì nữa cả. Bà buông cái điện thoại xuống rồi đứng thẫn thờ nhìn ra ngoài trời mưa gió như người mất hồn.

– Ơ kìa, sao bà không dọn mâm bát ra mà lại cứ đứng ngây ra như phỗng thế!

Ông Liêm đã thả xong cá về nhà từ lúc nào. Thấy vợ có vẻ khác lạ, ông đoán chừng chắc tại bà thấy mâm cỗ xôi gà đầy tú hụ thế kia mà chỉ lủi thủi mỗi hai ông bà nên mong con nhớ cháu mà cảm động quá thôi. Nghĩ thế, ông liền xuê xoa động viên bà:

– Gớm thôi mà, vài hôm nữa rồi chúng nó về đông đủ cả. Giờ mình cứ đánh chén trước đi đã.

Bà Liêm biết tính ông nóng nảy nên chưa dám nói cho ông biết về chuyện anh con trai vừa thông báo qua điện thoại. Bà ngồi ăn cùng ông mà tâm trí rối bời bởi bà biết như thế là năm nay nhà bà không có Tết. Ông Liêm cầm nguyên cái đùi gà ấn vào tay giục bà ăn. Nể chồng, muốn để ông vui và cũng là muốn giấu đi cái cảm xúc đang tức tưởi trong lòng, bà cố nuốt miếng thịt gà cứ ứ đầy chẹn ngang cổ họng. Bất giác bà ứa nước mắt, bà bật khóc thành tiếng trong nỗi buồn tủi nghẹn ngào. Ông Liêm hốt hoảng buông bát đũa nhìn bà sững sờ:

– Sao thế hở bà? Bà có chuyện gì vậy?

Bà Liêm biết mình đã lỡ để lộ nỗi lòng ra với chồng, nhưng giờ bà có muốn giấu ông thì cũng khó. Bà đang lúng túng tìm cách nói lảng đi để cho ông yên thì ông Liêm càng tỏ ra lo lắng:

– Hay là bà thấy trong người khó ở thì để tôi gọi chúng nó về đưa bà đi viện nhé?

Chưa nói dứt câu thì ông Liêm đã đứng lên xấn xổ đi đến chỗ đặt cái điện thoại bàn. Bà Liêm thấy thế thì cũng vùng dậy níu lấy cánh tay ngăn ông lại:

– Không, không… Tôi không làm sao cả… Ông đừng gọi chúng nó làm gì…

Ông Liêm dừng lại nhìn bà và càng ngạc nhiên hơn. Ông càng nhận thấy rõ bà đang giấu ông điều gì đó bất thường. Ông khẽ đặt tay lên vai bà rồi nghiêm trang hỏi:

– Thực ra… bà đang có chuyện gì giấu tôi?

– Là… tự vì là…

Bà Liêm ấp úng chưa biết lựa lời nói với ông thế nào để ông hiểu mà chấp nhận chứ không nổi nóng lên rồi lại ầm ĩ cửa nhà khiến xóm giềng chê cười. Cũng vừa lúc ấy thì cái điện thoại lại réo vang, ông Liêm toan cầm lấy máy để nghe thì bà đã nhanh tay hơn:

– Ông để tôi nghe cho…

Trong máy điện thoại léo nhéo giọng trẻ con và bà Liêm chỉ nghe thấy lõm bõm mỗi mấy câu: “Bà ơi, mai nhà cháu về với ông bà…”. Bà Liêm như không tin vào tai mình nữa, bà ghé sát ống nghe điện thoại và nói rất to: “Cái gì?… Mai về á?… Thế thằng bố mày đâu?…”. Cái điện thoại yên lặng một lát rồi có tiếng của anh con trai của bà: “Vâng, con đây! Chúng con hủy chuyến đi du lịch rồi! Tại hai đứa nó nhất định không chịu đi mà cứ đòi về quê ăn tết với ông bà cơ!”…

Bà Liêm đặt máy điện thoại xuống, nét mặt giãn ra, tươi tắn. Ánh mắt bà không giấu nổi niềm vui đang hiện hữu. Ông Liêm thấy dáng vẻ của bà như vậy thì càng lấy làm ngạc nhiên:

– Bà làm sao thế? Có chuyện gì thế?

– Tôi chả làm sao cả. Chỉ là thấy Tết sắp về thôi!

– Ô hay… thì Tết chứ sao lại chả Tết?

Ông khẽ đưa mắt nguýt bà, rồi cả hai ông bà cùng nhoẻn cười, khiến cho hai gương mặt già nua bỗng dưng như trẻ lại. Bên ngoài sân, trời đã ngớt mưa, nắng hửng dần, những con chim chích bông đang nhảy nhót lích rích trên cành hoa đào. Xuân đã đến bên thềm nhà.

 

NGUỒN: TRẦN HỒNG GIANG