Những điểm cần lưu ý khi đi làm lại thẻ căn cước công dân từ 1/7
SKĐS – Từ ngày 1/7, cơ quan Công an sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất. Theo đó, thẻ căn cước sẽ có một số thay đổi nhất định từ việc thu thập thông tin từ người dân cũng như hình thức và thông tin ghi trên thẻ.
Trước thay đổi này, nhiều người có những thắc mắc liên quan đến việc cấp thẻ căn cước, như trường hợp nào phải làm lại thẻ căn cước, quy trình cấp thẻ sẽ như thế nào? Việc làm thẻ CCCD mới có phải mất thời gian chờ đợi, thậm chí xảy ra tình trạng ùn tắc như lần đổi sang CCCD gắn chip hay không? Hay có phải đến nơi làm CCCD lần trước để thực hiện hay không?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Luật sư Nguyễn Đức Đoàn – Công ty Luật TNHH 1 thành viên số 1 YB cho biết, theo quy định tại Luật Căn cước 2023, các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước bao gồm những trường hợp sau:
Cấp đổi:
1. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
2. Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh.
3. Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
4. Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước.
5. Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.
6. Xác lập lại số định danh cá nhân.
7. Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Cấp lại:
1. Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được.
2. Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Về trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, Luật sư Nguyễn Đức Đoàn cho biết, đối với trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam và cấp đổi thẻ được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước 2023. Trường hợp cấp lại cho hư hỏng, công dân có thể thực hiện đăng ký trực tuyến.
Thẩm quyền cấp thuộc về Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Thời hạn cấp là trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật Căn cước 2023.
Có cần đến nơi làm CCCD lần trước để làm CCCD mới hay không?
Theo Luật sư Nguyễn Đức Đoàn, nơi cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Luật Căn cước 2023 tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Về việc có cần đến nơi làm CCCD lần trước để làm CCCD mới hay không, Luật sư Đoàn cho hay, trong trường hợp muốn cấp mới, cấp lại thẻ căn cước, công dân không bắt buộc phải đến nơi cấp CCCD trước đây để thực hiện. Công dân có thể lựa chọn các cơ quan có thẩm quyền tại nơi thường trú hoặc tạm trú để làm việc này.
“Khoản 1 Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021, nơi đăng ký cấp lại căn cước công dân được quy định, công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Luật Căn cước công dân 2014 đã cho phép công dân trong trường hợp muốn cấp lại thẻ CCCD có thể đến Cơ quan có thẩm quyền nơi thường trú hoặc tạm trú để thực hiện việc đăng ký cấp lại. Luật Căn cước 2023 vẫn giữ nguyên tinh thần này”, Luật sư Đoàn thông tin.
NGUỒN: QUỲNH MAI