Thưởng trà là thú vui tôi từng thử nhiều lần nhưng lại dễ dàng bỏ qua. Lần này, khi có cơ duyên được thưởng trà với những người hiểu biết về trà, tôi quyết định thử lại và thấy đầy bất ngờ với trà Đài Loan (Trung Quốc).
Người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ khi nhắc tới trà Đài Loan sẽ nghĩ ngay tới các loại trà sữa thơm, béo hấp dẫn. Nhưng Đài Loan cũng là nơi hội tụ nhiều dòng trà quý như các loại trà Ô Long thượng hạng với phương pháp rút nước, lên men công phu.
Ở Đài Loan, để được tôn làm “trà sư” người làm trà cần tới 30 – 40 năm kinh nghiệm. Phong cách trà Đài Loan có sự kết hợp giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Trà Bao Chủng – Chủng trà trong bao
Với một người quen vị cà phê như tôi, vốn không thích cảm giác miệng chát sau khi uống một số loại trà xanh. Vậy nên, khi mới thử trà Bao Chủng (được làm từ Ô Long Thanh Tâm) tôi cũng có cảm giác hơi “rén” nhưng rất may vị trà thanh nhẹ, hậu vị ngọt, miệng uống xong cảm giác khô, thơm khắp khoang miệng.
Thử trà nước đầu tôi thấy uống được, dễ uống. Thử nước thứ 2 mùi thơm như đậm hơn, cảm giác ngon hơn một chút.
Theo người chủ trì cuộc thưởng trà là bà Sophia – Phu nhân của đại diện Phòng Văn hóa – Kinh tế Đài Bắc tại Việt Nam cho biết khi chọn trà, người mua thường ngửi hương trà khô, lấy một cánh trà nhai để đánh giá độ khô, giòn sau đó mới pha uống. Và thường tới nước thứ 2 hoặc 3 là đã có thể quyết định mua hay không.
Ngoài chiếc chén nhỏ để uống trà, người Đài Loan có thêm một chiếc chén cao hơn, miệng nhỏ hơn để thưởng hương. Trà được rót vào vào chén cao rồi từ đó rót sang chén uống trà. Người thưởng trà thấy mùi hương lưu lại ở chén thưởng hương càng dài, càng phức tạp thì trình độ của người làm trà càng được đánh giá cao.
Cái tên trà Bao Chủng có nguồn gốc rất bình dị, đó là do hơn 100 năm trước người ta đã dùng gói giấy hình vuông để gói trà. Bao Chủng – Chủng trà được bao lại.
Trà Đông Phương Mỹ Nhân hay trà Nói Phét
Bên cạnh cái tên nổi tiếng Bao Chủng, trà Đông Phương Mỹ Nhân của Đài Loan cũng được cho là có chỗ đứng trong lòng người yêu trà tại nhiều quốc gia. Nếu Bao Chủng được lên men khoảng 10% thì Đông Phương Mỹ Nhân được lên men tới khoảng 50% nên màu nước đậm hơn.
Được biết, khi loại trà này tới New York, người dân nơi đây còn đặt cho nó cái tên Champagne Formosa (Formosa là tên cũ người phương Tây từng gọi Đài Loan). Vì được yêu mến nên có khá nhiều giai thoại nói về Đông Phương Mỹ Nhân với các phiên bản khác nhau. Đó cũng là lý do người bản địa lại gọi nó bằng cái tên dân dã là “trà Nói Phét”.
Trà Đông Phương Mỹ Nhân có vị thơm nồng mùi hoa hơn trà Bao Chủng dù không ướp hoa, hơi chua nhẹ, hậu vị ngọt, nuốt xuống rồi vẫn thơm từ cuống họng lên tới khắp khoang miệng.
Bà Sophia cho biết loại trà này được làm từ Ô Long Thanh Tâm hoặc Ô Long Đại Hữu (Đại Mỗ). Khi con rầy cắn lá trà, lá trà đó sẽ đen lại phần bị cắn và lên men nhẹ, không phát triển nữa, đồng thời cây trà tiết ra một loại axit để đuổi côn trùng đi. Lá trà được hái xuống, phơi và xử lý lên men sẽ ra vị ngon quyến rũ, thanh tao.
Bí quyết nằm ở sự rút nước và lên men
Để làm ra các loại trà này cần có vùng nguyên liệu hội đủ các yếu tố tốt về sương, đất, nước, độ cao. Đặc biệt phương pháp rút nước ra khỏi lá trà đặc biệt cầu kỳ, chỉ được phơi gió, trong bóng râm, không được tiếp xúc ánh nắng trực tiếp hay hơi nóng nhiệt độ cao.
Lý giải cho việc này, nhà báo Nguyễn Đình một người yêu và nghiên cứu về trà cho biết vì lá trà sẽ thoát nước ở mép lá, nếu phơi nắng, nóng mép lá sẽ héo nhanh, khép lại, không thoát hết nước bên trong. Khi hái cũng nên lựa cuống lá cứng sẽ dễ thoát nước hơn cuống lá mềm. Nên thu hái bằng tay, thủ công sẽ tốt hơn thu hoạch bằng máy.
Người làm trà lâu năm sẽ có thể ước lượng được độ lên men thế nào cho vừa, để vị chát được biến chuyển nhẹ nhàng, tinh tế. Đồng thời nước để pha trà cũng cần kén cho phù hợp với từng loại trà khác nhau để tôn vị trà lên hơn. Nhiệt độ nước khác nhau cũng sẽ làm các tầng hương trà thay đổi phong phú.
Về thời gian pha cũng cần chú ý. Thường bí kíp chung nhất sẽ là nước đầu khoảng 1 phút, các nước sau mỗi lần cộng thêm 10 giây. Tuy nhiên, người pha sẽ nếm thử và điều chỉnh theo kinh nghiệm cho phù hợp không nhất thiết tuân theo quy tắc trên.
Ở Việt Nam có trà Đông Phương Mỹ Nhân hay Bao Chủng không?
Tất nhiên là có! Hiện nay chúng ta buôn bán giao thương với rất nhiều bạn bè trên thế giới nên để mua trà Đài Loan uống không phải chuyện khó. Chưa kể chúng ta trồng trà Ô Long ở nhiều nơi trên cả nước.
Đã có những người Đài Loan sang Việt Nam để phát triển và sản xuất trà. Phải kể đến những cái tên như ông Từ Quốc An, sinh ra ở huyện Miêu Lật, trong gia đình tới ông là đời thứ 6 làm trà. Từ năm 2010, ông đã bỏ nhiều công nghiên cứu, khảo sát và làm trà từ nguyên liệu trà cổ thụ của Việt Nam.
Tới nay ông An cũng đã mang tới cho chúng ta trà Đông Phương Mỹ Nhân từ cây trà cổ thụ ở Hoàng Su Phì. Hay ông Quách Tu Chính, người đầu tiên đưa giống trà Ô Long sang Việt Nam bằng cách … xách tay lên máy bay từ những năm 1994 – 1995.
Hiện, ông đã phát triển nhiều vùng trồng trà Ô Long chất lượng tốt tại Việt Nam. Ông cho biết rất thích vùng đất Mộc Châu, nơi đây có sương dày, có ngày sương bao quanh cây trà qua cả trưa, khí hậu trong lành, rất tốt cho cây trà phát triển.
Sau một buổi thưởng trà Đài Loan do bà Sophia chủ trì, được giao lưu với những người yêu trà khác như nghệ nhân làm trà Quách Tu Chính, chuyên gia nếm thử trà và cà phê Thi Quốc Phong, nhà báo Nguyễn Đình,… tôi cảm thấy uống trà cũng thú vị không kém gì uống cà phê.
Theo ông Quách Tu Chính, uống trà thì cứ uống theo khẩu vị của mình thôi, không nên cầu kỳ hay đặt ra quá nhiều quy tắc. Có lẽ đó cũng là lời động viên cho “đối tượng” mới thử thưởng trà như tôi.
———–
NGUỒN: Thùy Dương